Sinh năm 1950, ông Cao Tấn đã từng trải qua rất nhiều nghề khác nhau trước khi đến với con giun. 32 năm trong quân ngũ, ông đã từng tham gia quản lý kinh tế, quản lý nhân sự... Đến khi về hưu, ông lại trở thành nhà thầu xây dựng, và trước khi đầu tư vào con giun, ông là người kinh doanh đồ điện tử có tiếng ở TX Uông Bí. Xuất thân từ nông dân, ông Tấn đã có thời gian dài gắn bó với đồng ruộng, và con giun là loài vật hết sức quen thuộc với ông. Ông Tấn kể: “Tôi đã từng trải qua thời kỳ đào giun nuôi gà, vịt, đào giun để câu cá. Để lôi được con giun lên mặt đất có nhiều cách lắm, nào là bằng nước lã, nước vôi, hoặc đào thủ công. Thậm chí đến bây giờ, tôi chỉ cần nhìn cũng biết được đất nào nhiều giun, đất nào ít giun. Chính vì có thời gian gắn bó với loài vật này như thế, nên nghe đến chuyện nuôi giun, tôi mê lắm...”.

|
Ông Cao Tấn giới thiệu mô hình trang trại nuôi giun... |
Mặc dù đã gắn bó và có những hiểu biết nhất định về con giun, nhưng nuôi giun là một việc khá xa lạ với ông Tấn. Khi nghe nói về nuôi giun trong chương trình “Bạn của nhà nông” của Đài Truyền hình Việt Nam, ông quyết tâm tìm hiểu để tham gia vào lĩnh vực này. Ông lùng mua các loại sách, báo có liên quan để xem và tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua Internet... Đến khi có một số kiến thức nhất định, ông tìm đến các địa chỉ nuôi giun để kiểm nghiệm thực tế và học tập kinh nghiệm. Cuối cùng, ông tìm ra địa chỉ của Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ Hùng Vương (có trụ sở ở Đông Anh, Hà Nội) và đặt quan hệ làm ăn với công ty này. Theo đó, Công ty sẽ chuyển giao kỹ thuật nuôi giun, bán con giống và bao tiêu sản phẩm cho ông. Về đến nhà, việc đầu tiên của ông là bàn với vợ mang gần 500 triệu đồng đi mua một trang trại gần khu du lịch Lựng Xanh. Có trang trại, ông đầu tư xây dựng nhà nuôi giun, mua con giống và tiến hành nuôi. Ông cho biết: “Tôi bắt đầu khởi công xây dựng nhà nuôi giun từ mùng 10 Tết Đinh Hợi. Xong nhà là nhập luôn 400 kg ấu trùng giun về thả. Thả xong rồi mới bắt đầu thấy lo. Thật ra mình tiếp xúc nhiều với giun, nhưng chủ yếu là những loại giun thường, sống trên đồng ruộng. Còn giun do Công ty Hùng Vương cung cấp là giống giun quế, có giá trị, nhưng ít thấy ở tự nhiên. Mãi đến khi thấy những con giun li ti trong đất thì tôi mới thở phào nhẹ nhõm, dù sao cũng có giun rồi. Bây giờ nghĩ lại cũng thấy mình liều. Chỉ xem qua ti vi mà mê luôn, đầu tư gần tỷ bạc cho con giun. Nhiều người thấy tôi làm vậy cũng ngạc nhiên và không hiểu vì sao tôi lại bỏ việc kinh doanh, đi làm nông dân, khi cửa hàng điện tử nhà tôi đang phát triển và rất có uy tín. Thật ra tôi cũng không giải thích được lý do tại sao tôi lại mê con giun đến thế, nó như là duyên nợ vậy...”.
Theo các tài liệu khuyến nông thì giống giun quế là một trong những loài giun có đặc điểm phát triển nhanh, sinh sản mạnh, thích ứng dễ dàng trong điều kiện môi trường nuôi nhân tạo. Chúng thích nghi ở nhiệt độ 20-27oC và thức ăn cho chúng là phân động vật ăn cỏ (nhất là trâu bò), các loại vỏ trái cây hoặc quả dập. Giun quế phù hợp với điều kiện nông thôn Việt Nam và là loài vật ít bị rủi ro vì không có dịch bệnh, đồng thời vì được nuôi trong nhà, nên giun quế ít chịu tác động của môi trường, thời tiết. Trong khi đó, giá trị dinh dưỡng của thịt giun có thể so sánh với 2 loại thức ăn là đậu tương và bột cá, cung cấp đạm cho gia súc, gia cầm, các loài thuỷ sản. Phân giun với đặc điểm giàu các chất dinh dưỡng hoà tan trong nước được cây trồng hấp thụ ngay lập tức và có khả năng kích thích hạt nảy mầm, kích thích cây phát triển. Chính vì thế, trên thị trường hiện nay, giun quế được các nhà sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, sản xuất thức ăn tôm, cá rất ưa chuộng. Mặc dù vậy, nuôi giun là một lĩnh vực mới, nên những người đầu tư như ông Tấn có thể gọi là tiên phong.
Những hứa hẹn từ con giun quế
Hiện nay, trang trại của ông Tấn không chỉ nuôi giun mà còn có các hoạt động khác như nuôi thỏ, trồng gấc..., nhưng con giun giữ vai trò chủ lực. Để “phục vụ” con giun, ông Tấn xây dựng 5 nhà với tổng cộng 80 bể nuôi giun và thuê 5 người thường xuyên đi thu mua phân bò về ủ, lấy thức ăn cho giun. Ông bắt đầu thả giun giống từ tháng 4-2007. Đến tháng 7, ông thu được 420 kg giun thương phẩm. Số giun này được bán lại cho Công ty Hùng Vương với giá 140.000 đ/kg. Ngay trong lần xuất đầu tiên, ông đã thu về được 58 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn bán giun cho một số nơi khác. Đến nay, ông đã thu được hơn 100 triệu đồng từ con giun. Ông cho biết theo hướng dẫn của Công ty Hùng Vương, cứ sau 75 ngày, 1 kg giun giống sẽ cho thu 1 kg giun thương phẩm, nhưng ông đã tìm ra cách thu được gấp 3 lần như thế. Sản phẩm thu được, ông bán cho Công ty Hùng Vương theo đúng hợp đồng, số còn lại ông bán ra ngoài với giá ưu đãi hơn. Ông bảo: “Chẳng phải tính thì cũng thấy việc nuôi giun là có hiệu quả. Chỉ mới 7 tháng đã thu lại được 100 triệu, trong khi đó tiền mua con giống chỉ cần đầu tư một lần, sau đó nó sẽ tự sinh sản. Cứ cái đà này chỉ cần 1 năm là tôi có thể thu hồi lại vốn nuôi giun. Tính toán kinh tế thì con giun hơn đứt các loại vật nuôi khác”.

|
... kết hợp nuôi thỏ... của gia đình |
Mặc dù mới có kết quả bước đầu nhưng trang trại nuôi giun của ông Tấn đã thu hút được sự chú ý của nhiều người. Nhiều khách hàng ở Hải Phòng, Hải Dương... tìm đến ông đặt quan hệ làm ăn lâu dài nhưng ông vẫn chưa dám nhận lời, vì đó đều là những đơn hàng lớn, yêu cầu cung cấp giun thường xuyên trong khi ông phải thực hiện hợp đồng với Công ty Hùng Vương. Nhiều người tìm đến ông đề nghị mua con giống và chuyển giao kỹ thuật. Ông Tấn nói: “Trước kia, tôi yên tâm đầu tư vào con giun vì đã có Công ty Hùng Vương bao tiêu sản phẩm. Bây giờ khách hàng tìm đến nhiều, tôi lại càng yên tâm hơn. Thế nên sắp tới tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích nuôi giun để phục vụ nhu cầu thị trường, đặc biệt là sẽ ưu tiên phục vụ những người có nhu cầu chuyển giao kỹ thuật, mua con giống”. Song song với việc mở rộng diện tích nuôi giun, ông Tấn đang có kế hoạch thành lập công ty để cung ứng giống và thu mua giun thương phẩm cho những nông dân có nhu cầu trong địa bàn tỉnh. Trước mắt, ông sẽ nuôi thêm bò, thỏ để lấy phân cho giun, đồng thời sử dụng phân giun để trồng rau sạch, trồng gấc....
Mặc dù chưa được một năm, nhưng mô hình nuôi giun của ông Tấn đã cho thấy hiệu quả kinh tế, có khả năng làm giàu cho người nông dân. Đặc biệt, việc nuôi giun sẽ hiệu quả hơn khi lồng ghép với các loại hình chăn nuôi, trồng trọt khác trong quy mô gia đình, làng xã. Giun sử dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, các loại hải sản, phân giun bón cây trồng, nhất là rau sạch, rau an toàn. Ngoài ra, nuôi giun còn góp phần làm sạch môi trường nông thôn khi phân bò được sử dụng làm nguồn thức ăn chính cho chúng. Rõ ràng, nuôi giun hoàn toàn có thể phát triển thành ngành chăn nuôi phổ biến, thành một mô hình xoá đói giảm nghèo cho nông dân trên địa bàn tỉnh.
Thuỳ Linh |