Mặc dù đã có những gắn bó và hiểu biết về con giun từ lâu nhưng nuôi giun quế lại là việc khá mới đối với anh Nguyễn Ngọc Châu, thôn Đoàn Kết, xã Quý Sơn. Cuối năm 2006, khi xem phương pháp nuôi giun trong chương trình “Bạn của nhà nông” trên Đài truyền hình Việt Nam, anh Châu quyết tâm tìm hiểu để làm bằng được. Anh đã tìm đọc các loại sách, báo về kỹ thuật nuôi giun quế, đồng thời đi thăm nhiều cơ sở nuôi giun quế hiệu quả ở các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Hà Tây… để kiểm nghiệm thực tế và học hỏi kinh nghiệm. Qua đó, anh liên hệ với Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hùng Vương (Hà Nội) và đặt quan hệ làm ăn. Công ty ký hợp đồng cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi giun quế và tiêu thụ sản phẩm cho gia đình anh. Anh đã mạnh dạn xây 10 ô chuồng trên diện tích 40m2 tại khu vườn của gia đình để nuôi giun quế.
Kết quả, sau gần 8 tháng nuôi, gia đình anh bán được gần 200kg giun quế (giá 140.000 đồng/kg), lãi hơn 20 triệu đồng. So với nuôi lợn, gà thì nuôi giun quế nhàn hơn và cũng không phải lo xử lý ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi. Giống giun quế chỉ cần đầu tư một lần, sau đó tự sinh sản. Đây là giống giun có nhiều ưu điểm như: sinh trưởng phát triển nhanh, dễ nuôi, phù hợp trong môi trường nuôi nhân tạo, ít bị dịch bệnh. Sản phẩm giun quế có thể dùng làm thuốc chữa bệnh và thức ăn phục vụ chăn nuôi. Anh Châu cho biết: “Để nuôi giun quế đạt hiệu quả cao, người nuôi phải cho giun ăn đầy đủ thức ăn và bảo đảm độ ẩm. Thức ăn cho giun chủ yếu tận dụng phân gia súc hoai mục”. Nhận thấy, nuôi giun quế mang lại thu nhập cao nên nhiều hộ dân ở xã Quý Sơn cũng đã chuyển sang nuôi loại giun này.
Hiện nay, phong trào nuôi giun quế đang được nhân rộng ra nhiều xã trên địa bàn huyện như: Thanh Hải, Quý Sơn, Tân Sơn, Phong Minh… Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện hiện có hơn 50 hộ nuôi giun quế cho thu nhập từ 15-45 triệu đồng/năm. Nhờ nuôi giun quế, nhiều hộ đã thoát nghèo và trở nên giàu có như các hộ: Nguyễn Xuân Ngọc, Nguyễn Văn Sáng, thôn Đoàn Kết, xã Quý Sơn; Hứa Văn Hạt, thôn Thác Lười, xã Tân Sơn… Trước yêu cầu của người chăn nuôi cần được hỗ trợ v ề kỹ thuật, con giống và tiêu thụ sản phẩm, nhiều hộ đã liên kết thành lập Hợp tác xã nuôi giun, điển hình như ở xã Thanh Hải. Do hoạt động có tổ chức nên việc phối hợp giữa hợp tác xã với các đơn vị để tập huấn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cũng thuận lợi hơn. Theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, bà con nông dân nên kết hợp nuôi giun quế với chăn nuôi gia súc, gia cầm để tạo thành mô hình khép kín. Chất thải từ gia súc, gia cầm tận dụng làm thức ăn cho giun và giun có giá trị dinh dưỡng cao được dùng để chăn nuôi.
Để tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi giun quế, thời gian tới, các cơ quan chuyên môn đang tăng cường tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi giun, hỗ trợ nông dân từng bước mở rộng quy mô sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả trong nuôi giun quế nói riêng và chăn nuôi gia súc, gia cầm nói chung.
Báo Bắc Giang - (13/09/2007
|